Ông có bình luận gì về vụ việc cơ quan quản lý hủy phát hành 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh vì lý do che giấu thông tin, công bố sai sự thật?

Đối với việc công bố thông tin sai, trách nhiệm chắc chắn trước tiên thuộc về tổ chức phát hành, kế đến là đơn vị tư vấn phát hành. Những sản phẩm tài chính như vậy được bán ra trên thị trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường trái phiếu, mà cụ thể ở đây là niềm tin của nhà đầu tư với thị trường.

Việc cả tổ chức phát hành và tư vấn làm sai thông tin phát hành khiến nhà đầu tư trái phiếu cả tổ chức và cá nhân đều có thể bị thiệt hại, khi tổ chức phát hành có nguy cơ không thể sắp xếp kịp thời chi trả cho trái chủ nếu các đợt phát hành bị huỷ. Rủi ro mất khả năng thanh toán của tổ chức phát hành là không nhỏ trong trường hợp này.

Kênh đầu tư trái phiếu hấp dẫn vì có tính thanh khoản và lãi suất cao. Theo ông, nhà đầu tư trước khi tham gia cần quan tâm đến vấn đề gì để hạn chế rủi ro?

Thị trường trái phiếu tăng trưởng mạnh trong 2 năm qua, khi lãi suất tiền gửi luôn ở mức thấp. Nhu cầu đầu tư vào những tài sản tài chính có lãi suất cố định cao hơn lãi suất tiền gửi đã tăng lên đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng quy mô của thị trường trái phiếu lên tới trên 25%/năm. Nhưng thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã quá chú trọng đến lãi suất hấp dẫn của trái phiếu, có thể lên đến 15%/năm, một số trường hợp cá biệt còn cao hơn nữa, mà đã bỏ qua đánh giá những yếu tố rủi ro.

Khi muốn bỏ vốn mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư trước tiên cần biết tổ chức phát hành là ai? Nên tham khảo tư vấn viên hoặc chuyên gia để tìm hiểu về năng lực tài chính cũng như năng lực kinh doanh thực tế của tổ chức phát hành, chứ không chỉ biết đến doanh nghiệp có thương hiệu. Tài sản đảm bảo cho trái phiếu có đủ căn cứ pháp lý làm tài sản bảo đảm hay không? Trong trường hợp tổ chức phát hành có rủi ro về thanh toán, tài sản bảo đảm liệu có đủ thanh khoản để đảm bảo thanh toán hay không?
Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS).
 
Tài sản đảm bảo cho trái phiếu phải là tài sản cố định hữu hình, không thể là quyền mua, quyền góp vốn, hay quyền hưởng lợi ích từ một tài sản khác…, vì những dạng tài sản đảm bảo như vậy hàm chứa nhiều rủi ro và tranh chấp.

Ngoài tài sản đảm bảo cho trái phiếu phát hành, tài sản đảm bảo thanh toán cho trái phiếu cũng là một chi tiết mà nhà đầu tư cần chú ý. Tài sản đảm bảo thanh toán cần có tính thanh khoản cao để đảm bảo chi trả lãi, thậm chí nợ gốc trái phiếu trong trường hợp tổ chức phát hành gặp khó khăn về thanh toán trái phiếu đúng hạn.

Loại tài sản này thường là cổ phiếu niêm yết của tổ chức phát hành. Như vậy, một trái phiếu được cơ cấu tốt về tài sản đảm bảo sẽ có 2 lớp tài sản đảm bảo, một là tài sản đảm bảo phát hành trái phiếu, hai là tài sản đảm bảo thanh toán trái phiếu.

Tiếp theo, nhà đầu tư cần biết tổ chức tư vấn phát hành có đủ năng lực, uy tín và kinh nghiệm hay không? Loại trái phiếu phát hành là riêng lẻ hay đại chúng, vì trái phiếu phát hành riêng lẻ chắc chắn rủi ro hơn trái phiếu phát hành đại chúng. Trái phiếu có bảo lãnh thanh toán hay không và tổ chức bảo lãnh có đủ năng lực tài chính?

Một điểm mà nhà đầu tư nên lưu ý, nhất là nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu, đó là lãi suất trái phiếu không thể cao hơn lãi suất cho vay bình quân trên thị trường. Theo đó, nhà đầu tư không nên ham trái phiếu có lãi suất cao để bỏ vốn, vì tổ chức phát hành có mức độ rủi ro cao, mức độ tín nhiệm thấp hơn thì phải chấp nhận trả lãi suất cao hơn.

Nếu như việc trả lời các câu hỏi vừa nêu là khó khăn với nhà đầu tư có thể chọn mua trái phiếu do một công ty chứng khoán uy tín phân phối, đặt niềm tin vào đơn vị phân phối này là đủ?

Việc phân phối và vận hành trái phiếu doanh nghiệp phải có bên thứ ba là công ty chứng khoán, có uy tín và kinh nghiệm thực hiện, nhà đầu tư không nên mua trái phiếu do tổ chức phát hành tự phân phối. Tuy nhiên, trái phiếu là sản phẩm của thị trường chứng khoán, đòi hỏi nhà đầu tư phải có đủ kiến thức chuyên môn trong việc phân tích, đánh giá trước khi quyết định đầu tư.

Khá phổ biến hiện nay là một số công ty chứng khoán cam kết sẽ thu xếp bên nhận chuyển nhượng trái phiếu với giá đảm bảo lãi suất cam kết cho nhà đầu tư. Vậy nhà đầu tư chỉ cần quan tâm đến công ty chứng khoán mà mình giao dịch?

Trường hợp này, rủi ro có thể thấp hơn, bởi công ty chứng khoán đã cam kết, nhưng có thể đổi lại lãi suất cũng không hấp dẫn bằng mặt bằng chung - nhưng vẫn hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm. Xin nhấn mạnh lại, trái phiếu là sản phẩm của thị trường chứng khoán, khi nhà đầu tư quyết định mua bán sản phẩm nên thông qua các công ty chứng khoán có năng lực và kinh nghiệm.

Nhưng quyết định cuối cùng là của nhà đầu tư và nhà đầu tư cần phải trang bị đủ kiến thức để phân tích một sản phẩm tài chính về tính sinh lời và rủi ro trước khi tham gia cũng như phân bổ tỷ trọng đầu tư. Tuyệt đối không tham gia theo tin đồn, sự lôi kéo và theo chủ quan cảm nhận của mình.

Khi các ngân hàng không tham gia mua trái phiếu, hạn chế cho vay bất động sản sẽ tạo áp lực như thế nào với chủ đầu tư bất động sản trong thời gian tới?

Việc siết vốn vào bất động sản từ hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ tạo áp lực tài chính với doanh nghiệp địa ốc. Tuy nhiên, những doanh nghiệp bất động sản có dự án đủ tốt, đầy đủ tính pháp lý để triển khai, tính thanh khoản của thị trường và phân khúc thị trường tốt thì vẫn sẽ thu hút được vốn của nhà đầu tư trái phiếu. Còn những doanh nghiệp bất động sản có dự án ở phân khúc kém thanh khoản, pháp lý chưa đầy đủ chắc chắn sẽ không dễ huy động vốn. Ngay cả khi phát hành trái phiếu với lãi suất cao cũng khó huy động vốn do nhà đầu tư thận trọng với rủi ro hơn. Dòng vốn sẽ chảy vào các doanh nghiệp thực sự có năng lực triển khai dự án.

Sau giai đoạn phát triển “trăm hoa đua nở”, việc rà soát, chấn chỉnh thị trường là cần thiết để ngăn chặn nguy cơ, rủi ro lớn hơn là đổ vỡ hình thành. Các vụ việc phát hành sai, phát hành không đúng bị thanh tra, kiểm tra và phát hiện trên thị trường sẽ khiến nhà đầu tư thận trọng và cũng là tiền đề để thị trường có được sự phát triển bền vững lên một tầm cao mới.